Thuật ngữ Tiền_lệ_pháp

Tra tiền lệ trong từ điển mở tiếng Việt Wiktionary

Có nhiều thuật ngữ khác nhau có liên quan mật thiết đến tiền lệ pháp, kéo theo đó là nhiều quan điểm, cách hiểu khác nhau về nó cùng với những tranh cãi nhất định. Đó chính là án lệ và Thông luật.

  • Dưới góc độ từ vựng:

Có thể nói đây là ba từ ngữ tương tự nhau cùng chỉ về một khái niệm, và có thể sử dụng thay thế cho nhau, nhiều từ điển tiếng Anh đã dẫn chiếu qua lại các từ này.[15][16][17][18][19]

  • Thuật ngữ tương đồng:

Đối với hai thuật ngữ tiền lệ pháp và án lệ, đây là hai thuật ngữ có quan hệ gần gũi hơn cả. Theo quan điểm của nhiều nhà nghiên cứu (bao gồm cả ở Anh là nơi ra đời Thông luật) thì án lệ được hiểu theo hai nghĩa, nghĩa rộng và nghĩa hẹp.

1. Theo nghĩa rộng, Án lệ là nguyên tắc bắt buộc đòi hỏi thẩm phán trong hệ thống các cơ quan Toà án khi xét xử một vụ việc cụ thể cần phải căn cứ ngay vào các bản án, các vụ việc trước đó, đặc biệt là các phán quyết của các Tòa cấp cao, Tòa phúc thẩm và Tòa án tối cao,[20] hay là những nguyên tắc không theo luật định được đưa ra từ các quyết định tư pháp,[21] hay là hệ thống những nguyên tắc bất thành văn đã được công nhận và hình thành thông qua các quyết định của Tòa án.[9]2. Theo nghĩa hẹp, Án lệ được hiểu bao gồm toàn bộ các quyết định, bản án được tuyên bố bởi tòa án và có giá trị như nguồn luật áp dụng cho các vụ việc xảy ra sau này,[20] hay là việc đưa ra những nguyên tắc, nền tảng cho những vụ việc xảy ra sau này,[21] hay là cách thức sử dụng các nguyên tắc có sẵn như là những căn cứ áp dụng để quyết định các vụ việc xảy ra trong tương lai.[9]

Tựu trung lại, các quan điểm này đều tiếp cận thuật ngữ án lệ ở góc độ rộng nhất (bao gồm cả nghĩa rộng và nghĩa hẹp). Với cách tiếp cận như vậy, có thể thấy thuật ngữ án lệ đã chứa những nội dung cơ bản của thuật ngữ tiền lệ pháp và đây là hai thuật ngữ khác nhau nhưng đều chỉ về cùng một khái niệm, có thể được coi như nhau.[22]

Một số quan điểm cho rằng về mặt bản chất, án lệ cũng chính là tiền lệ pháp. Bởi cả hai đều xuất phát từ cơ quan tư pháp (Tòa án) và hình thành qua quá trình xét xử.[23] Mặt khác, tiền lệ pháp là thuật ngữ dùng để chỉ về một hình thức pháp luật còn án lệ dùng để chỉ về nguồn của pháp luật (mà nguồn của pháp luật cũng chính là hình thức pháp luật[24]).

Về mặt từ vựng, một số từ điển tiếng Anh khi diễn giải các từ ngữ này cũng cho kết quả tương tự nhau.[6][15][16][18][19][25]

Các quan điểm khác thì cho rằng, tiền lệ pháp và án lệ là hai khái niệm độc lập với nhau. Tiền lệ pháp được hiểu là việc làm luật của tòa án trong việc công nhận và áp dụng các nguyên tắc mới trong quá trình xét xử trên cơ sở những vụ việc đã được quyết định trước đây cho những trường hợp và vấn đề tương tự.[2] Còn án lệ (Case Law) là tập hợp các vụ việc đã được xét xử của cơ quan tư pháp trong quá trình xét xử,[26] hay chỉ đơn thuần là các phán quyết của Tòa án (bản án), được dùng làm cơ sở cho việc giải quyết các vụ việc tương tự trong tương lai.[27]

Nói một cách khác, tiền lệ pháp là một hình thức pháp luật hay quá trình làm luật của tòa án, Án lệ là những bản án, quyết định mà toà án làm căn cứ để áp dụng cho những vụ việc có tình tiết tương tự sau này.[28] Đây không phải là hai từ đồng nghĩa và dẫn chiếu đến nhau.

Thông thường, người ta gọi các bản án có giá trị áp dụng tương tự sau này và được lưu trong các tập san do cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố là những án lệ.

Ví dụ: Án lệ có tên là: Moorgate Mercantili v Twitchings [1976].1.QB, 225, CA.Có thể hiểu đây là Vụ án Moorgate Mercantili kiện Twitchings, quyết định đưa ra và xuất bản vào năm 1976, tập 1. Bản án này được đưa ra bởi Tòa Phúc thẩm sau khi xem xét bản án bị kháng cáo được tuyên từ Tòa Nữ hoàng (là tòa cấp dưới). Vụ việc này được bắt đầu từ trang 225.Cụ thể hơn là: Moorgate Mercantili là tên nguyên đơn; Twitchings là bị đơn; Chữ "v" là viết tắt của từ "Versus" có nghĩa là "kiện", "chống lại"; [1976] là năm ra phán quyết; số "1" là bản án được trích từ tập san án lệ (Law Reports) số 1; số "225" là số trang trong tuyển tập của vụ án này; chữ "QB" là viết tắt của Tòa Nữ hoàng (Queen Banch) và chữ "CA" ở sau cùng là viết tắt của Tòa Phúc thẩm (Court of Apeal).Đây là một vụ kiện giữa Moorgate Mercantili kiện Twitchings về việc ông ta đã gây thiệt hại cho mình do đã có những hành vi làm cho ông này tin tưởng. Vụ án này đã được phúc thẩm phán Lord Dening đã đưa ra những phán quyết, trong đó có giải thích chế định "Estoppel" ("Ngăn không cho phủ nhận") như sau: Khi một người đã thể hiện bằng lời nói, lời hứa, và các hành vi cụ thể của mình làm cho người khác tin và thiết lập giao dịch với mình, thì anh ta không được quyền thoái thác các nghĩa vụ phát sinh từ lời hứa và các hành vi cụ thể của mình". Bản án đã trở thành án lệ. Nếu sau đó, có một vụ kiện tương tự ví dụ như: về một bên ra lời giao kết với bên khác mà không thực hiện lời giao kết của mình làm bên kia thiệt hại thì có thể bị kiện và bị xử thua, căn cứ vào án lệ này. Vấn đề nằm ở chỗ, nguyên đơn hay luật sư của họ có tìm ra được án lệ này trong muôn vàn bản án đã tuyên trước đó hay không.

Trong lĩnh vực tư pháp quốc tế, án lệ còn được hiểu theo nghĩa là tiền lệ án hay thực tiễn tòa án, đó là các bản án hoặc quyết định của tòa án mà trong đó thể hiện các quan điểm của thẩm phán đối với các vấn đề pháp lý mang tính chất quyết định trong việc giải quyết các vụ việc nhất định và mang ý nghĩa giải quyết đối với các quan hệ tương ứng trong tương lai.[29]

  • Quan hệ với Thông Luật:

Ngoài mối quan hệ mật thiết với thuật ngữ án lệ, tiền lệ pháp còn có mối quan hệ mật thiết với thuật ngữ Thông luật (Common Law).

Về mặt từ vựng, đây là những khái niệm có nội dung gần nhau và có thể thay thế cho nhau.[15][16][18][19][25] Mặc dù vậy, thuật ngữ Thông luật (hay còn biết đến như là luật chung, luật thông lệ, luật án lệ) có nội dung rộng hơn nhiều so với thuật ngữ tiền lệ pháp hoặc thuật ngữ án lệ.

Thông luật được sử dụng để chỉ về một bộ phận trong hệ thống pháp luật Anh (bộ phận kia là Luật công bình hay Luật công lý – Equity Law). Nó còn được dùng để chỉ tên gọi của một truyền thống pháp luật (hay hệ thống pháp luật) lớn trên thế giới - Hệ thống pháp luật Anh - Mỹ hay còn được biết đến với các tên khác như: Hệ thống pháp luật Anglo - Saxon, hệ thống Thông luật, Hệ thống luật Án lê.... Trong Thông luật còn bao gồm cả luật tập quán (tục lệ) và án lệ.

Trong khi đó tiền lệ pháp hay án lệ chỉ bao gồm các bản án, quyết định của toàn án được áp dụng để giải quyết các vụ việc tương tự về sau.[30][31][32]

  • Sử dụng các thuật ngữ này như thế nào:

Có thể thấy, các thuật ngữ tiền lệ pháp, án lệ và Thông luật đều có nội dung khá tương tự nhau (thậm chí có thể sử dụng để thay thế cho nhau). Nhưng tùy vào ngữ cảnh khác nhau thì sử dụng khác nhau.

Nếu chúng ta xem xét nó dưới góc độ là hình thức pháp luật (là sự biểu hiện ra bên ngoài của pháp luật, cách thức mà giai cấp thống trị nâng ý chí của mình thành luật), xem xét nó trong mối tương quan với tập quán pháp và văn bản pháp và xem xét ở một mức độ rộng rãi thì ưu tiên sử dụng thuật ngữ tiền lệ pháp (Precedent).

Nếu chúng ta xem xét ở mức độ hẹp hơn hay đơn thuần chỉ là những bản án cụ thể của Tòa án (được áp dụng cho những vụ việc có tình tiết hoặc vấn đề tương tự sau này) cũng như xem xét với tư cách là một nguồn của pháp luật thì ưu tiên sử dụng thuật ngữ án lệ (Case Law).

Nếu chúng ta xem nó là một bộ phận trong hệ thống pháp luật (ở Anh) hay là một truyền thống pháp luật, hoặc xem xét lịch sử phát triển của nó thì ưu tiên sử dụng thuật ngữ Thông luật (Common Law).

  • Tiền lệ hành chính:

Ở Việt Nam và các nước theo truyền thống pháp luật Xã hội chủ nghĩa, khái niệm tiền lệ pháp, bên cạnh yếu tố các bản án, quyết định của tòa án (giống như quan điểm theo truyền thống pháp luật Anh – Mỹ và truyền thống Dân luật) còn có yếu tố "quyết định của cơ quan hành chính nhà nước".

Cụ thể hơn, tiền lệ pháp được hiểu bao gồm tiền lệ hành chính (những quyết định của cơ quan hành chính Nhà nước) và tiền lệ tư pháp (bản án, quyết định của Tòa án).[33][34][35]

Đây là những quan điểm mang tính chính thống tại Việt Nam hiện nay, được phổ biến rộng rãi trong các trường đại học, cao đẳng. Có ý kiến còn cho rằng tiền lệ pháp chỉ bao gồm quyết định cá biệt của cơ quan hành chính nhà nước, không bao gồm bản án, quyết định của tòa án.[36]